Sau bài học này, học sinh sẽ biết cách thiết lập biến. Phân biệt được biến và từ khóa. Biết sử dụng lệnh gán và thực hiện một số phép tính toán trên kiểu số nguyên, số thực và xâu ký tự.
1. Biến và lệnh gán
– Biến là tên (định danh) của một vùng nhớ dùng để lưu trữ giá trị (dữ liệu) và giá trị đó có thể được thay đổi khi thực hiện chương trình.
– Biến trong Python được tạo ra khi thực hiện lệnh gán. Cú pháp của lệnh gán:
<biến> = <giá trị>
– Khi thực hiện lệnh gán, <giá trị> bên phải sẽ được gán cho <biến>. Nếu biến chưa được khai báo thì nó sẽ được khởi tạo khi thực hiện câu lệnh gán.
– Có thể thực hiện tất cả các phép toán thông thường như: +, -, *, /, … trên các biến có cùng kiểu dữ liệu.
– Có thể gán giá trị biểu thức cho biến. Cú pháp:
<biến> = <biểu thức>
<biểu thức> sẽ được tính giá trị trước và gán kết quả cho <biến>
– Có thể gán nhiều giá trị đồng thời cho nhiều biến. Cú pháp của lệnh gán đồng thời:
<var1>, <var2>, …, <varn> = <gt1>, <gt2>, …, <gtn>
– Quy tắc đặt tên biến (định danh):
- Chỉ gồm các chữ cái tiếng Anh, các chữ số từ 0 đến 9 và kí tự gạch dưới “_”.
- Không bắt đầu bằng chữ số.
- Phân biệt chữ hoa và chữ thường.
2. Các phép toán trên một số kiểu dữ liệu cơ bản
– Tất cả các phép toán đều được thực hiện từ trái sang phải, riêng phép lũy thừa (**) thì thực hiện từ phải sang trái.
– Các phép toán cơ bản với dữ liệu kiểu số (số thực và số nguyên) trong Python là phép cộng “+”, trừ ”–, nhân “, chia “/”, lấy thương nguyên “//”, lấy số dư “%” và phép luỹ thứa “**”
– Thứ tự thực hiện các phép tính như sau: phép lũy thừa ** có ưu tiên cao nhất, sau đó là các phép toán /, *, //, %, cuối cùng là các phép toán +, -.
Chú ý. Nếu có ngoặc thì biểu thức trong ngoặc được ưu tiên thực hiện trước.
– Các phép toán trên dữ liệu kiểu xâu: + (nối xâu) và * (lặp)
3. Từ khóa
– Một tập hợp các từ tiếng Anh đặc biệt được sử dụng vào mục đích riêng của ngôn ngữ lập trình, được gọi là các từ khóa (keyword) của ngôn ngữ lập trình.

– Không được phép đặt tên biến hay các định danh trùng với từ khóa